Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Kết quả xử lý rác thải chưa như mong đợi

Ô nhiễm môi trường  là vấn đề cấp bách của không chỉ riêng Hà Nội. Nhiều phương án xử lý rác thải đã được triển khai. Tuy nhiên, kết quả  chưa như mong đợi.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện 81% rác thải vẫn được xử lý theo phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, làm phân compost chiếm dưới 7%, tỷ lệ tái chế cũng chỉ ở mức 10% và chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Chôn lấp vẫn là giải pháp trong khoảng 10 - 15 năm tới. Tuy nhiên, hiện nay việc tìm địa điểm chôn lấp đang rất khó khăn, khi mà người dân ở những khu vực được lập quy hoạch làm điểm chôn lấp đều chưa đồng thuận. Hiện, khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) giai đoạn I mỗi ngày tiếp nhận và xử lý khoảng 4.200 tấn chất thải sinh hoạt của 19 quận, huyện. Nhưng dự kiến đến hết quý II-2014, các ô chôn lấp ở khu này sẽ đầy. Trong khi đó, các nhà máy xử lý, chất thải công nghiệp để phát điện vẫn trong giai đoạn triển khai.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện có khoảng 300 điểm tồn đọng khoảng 65 nghìn tấn rác thải tập trung chưa được xử lý ở ngoại thành. Kiểm tra tại 18 huyện còn tồn đọng rác thải, chỉ có năm huyện gồm Sóc Sơn, Ðông Anh, Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì có Xí nghiệp môi trường đô thị  trực thuộc UBND huyện  thu gom rác thải. 13 huyện còn lại ký hợp đồng  với các đơn vị xã hội hóa, nhưng có nơi để  đổ rác thải xuống ao, hồ, kênh mương, vùng đất trũng hoặc chôn lấp rác tự phát.  
Với   dự báo đến năm 2020, tổng số rác thải sinh hoạt cần được xử lý trên địa bàn thành phố hơn 7,3 nghìn tấn/ngày đêm, tương đương khoảng gần 2,7 triệu tấn/năm, việc cần có quy hoạch chiến lược  xử lý rác thải, ngăn chặn phát thải ô nhiễm môi trường là rất cần thiết. Chôn lấp chỉ là giải pháp trước mắt, không thể kéo dài mãi, mà cần huy động nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa trong việc tái chế rác thải. Ðể làm được điều đó, cần tuyên truyền sâu rộng và có giải pháp triệt để phân loại rác tại nguồn - hình thức  đã được khơi lên và triển khai từ vài năm nay, nhưng đến nay, dường như đã... tắt. Có người đặt câu hỏi: Phải chăng vì hết kinh phí tài trợ mà chủ trương phân loại rác thải tại nguồn không còn được tuyên truyền rầm rộ, khiến cộng đồng  quên lãng  dần.
Trong khi đó, tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đều đang chậm. Dự án của Công ty CP Tiến bộ quốc tế AIC, với công suất 2.000 tấn/ngày đêm, tại khu xử lý rác thải Nam Sơn, khởi công từ tháng 9-2010, nhưng đến nay vẫn là bãi đất trống, nguyên nhân do... chuyển đổi công nghệ. Năm dự án  khác đang được triển khai, song vẫn ở giai đoạn xây dựng hạ tầng, chuẩn bị khởi công. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, nhanh nhất phải đến năm 2014, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác tại xã Việt Hùng (Ðông Anh) mới có thể đi vào hoạt động.
Các chuyên gia môi trường đều cho rằng, chôn lấp chất thải rắn là công nghệ đơn giản nhất, đỡ tốn kém nhất, nhưng đòi hỏi  diện tích rất lớn. Do vậy, cần  coi việc  tái sử dụng và quay vòng sử dụng chất thải là hướng đi có ý nghĩa chiến lược trong quản lý chất thải rắn đô thị và công nghiệp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét